Tranh chấp đất đai (TCĐĐ) là loại tranh chấp phổ biến nhất trong thực tiễn xét xử hiện nay, vì vậy nhà làm luật quy định hòa giải là một thủ tục mang tính chất bắt buộc trước khi xét xử tại Tòa án là điều cần thiết. Luật Đất đai (LĐĐ) năm 2013 bên cạnh việc kế thừa quy định này từ LĐĐ năm 2003 cũng đã có những điểm mới sửa đổi, bổ sung cụ thể và thiết thực hơn.
- Sách giáo khoa mới do Bộ Giáo dục biên soạn sẽ có phiên bản điện tử
- Tôn vinh 27 doanh nghiệp Đà Nẵng chăm lo tốt đời sống cho người lao động
- Cán bộ xã dùng chứng minh thư của người chết để trốn truy nã
Cụ thể, hòa giải tranh chấp đất đai được quy định tại Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 và tại Điều 88 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/05/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
Thứ nhất, nhà làm luật đã quy định thời hạn giải quyết thủ tục hòa giải TCĐĐ tại Ủy ban nhân dân cấp xã là 45 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu TCĐĐ, là thời hạn dài hơn so với LĐĐ năm 2003, do TCĐĐ là loại tranh chấp có tính chất phức tạp, vì vậy quy định này là phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai theo luật Đất đai 2013
Thứ hai, LĐĐ 2013 quy định cụ thể và chi tiết hơn trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thực hiện thủ tục hòa giải, bao gồm việc thẩm tra, xác minh, thu thập giấy tờ, tài liệu; thành lập Hội đồng hòa và tổ chức cuộc họp hòa giải. Quy định cụ thể hóa này nhằm góp phần đảm bảo việc hòa giải được triển khai một cách hiệu quả trên thực tế.
Thứ ba, tại Điểm b, Khoản 1 Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CPquy định cụ thể thành phần Hội đồng hòa giải trong khi theo LĐĐ 2003 thì điều này chỉ quy định một cách chung chung. Quy định mới này góp phần làm cho thủ tục hòa giải được chặt chẽ hơn, đặc biệt quy định thành phần Hội đồng hòa giải bao gồm cả đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất, khi những người này có thể là những người đưa ra ý kiến, nhận định có ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả hòa giải,đặc biệt là những TCĐĐ xảy ra tại nông thôn, nơi mà tính gắn kết cộng đồng cao và các quy tắc đạo đức hầu như không thay đổi.
Thứ tư, “việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt, trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành”. Đây là quy định hoàn toàn mới và tiến bộ so với LĐĐ 2003, quy định này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích các bên đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong việc hạn chế một trong các bên không có thiện chí hòa giải, cố tình không tham gia cuộc họp hòa giải làm kéo dài thời gian mà bên còn lại cũng không thể khởi kiện ra Tòa án do không lập được biên bản hòa giải.
Thứ năm, nội dung và hình thức của Biên bản hòa giải cũng được quy định cụ thể hơn, đây là căn cứ để Tòa án xem xét tính hợp pháp của Biên bản hòa giải, hạn chế một số trường hợp như trước đây Tòa án trả lại đơn khởi kiện do Biên bản hòa giải không đạt yêu cầu mà không có căn cứ pháp lý cụ thể.
Thứ sáu, để giải quyết dứt điểm việc hòa giải tại UBND cấp xã, Khoản 3 Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP có quy định bổ sung: “Sau thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà các bên tranh chấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung khác với nội dung đã thống nhất trong biên bản hòa giải thành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lại cuộc họp Hội đồng hòa giải để xem xét giải quyết đối với ý kiến bổ sung và phải lập biên bản hòa giải thành hoặc không thành”. Quy định này nhằm tránh việc hòa giải kéo dài, nâng cao hiệu quả giải quyết tại UBND cấp xã trước khi đưa ra xét xử tại Tòa án.
Thứ bảy, thực tế tồn tại việc sau khi hòa giải TCĐĐ thành mà một trong các bên đương sự lại thay đổi ý kiến, vậy lúc này UBND xã có phải tiến hành hòa giải lại hay không hay trực tiếp gửi đơn đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để giải quyết vấn đề này tại Khoản 4 Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP đã có quy định:“Trường hợp hòa giải không thành hoặc sau khi hòa giải thành mà có ít nhất một trong các bên thay đổi ý kiến về kết quả hòa giải thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo”. Quy định cụ thể này bên cạnh việc ghi nhận trách nhiệm của UBND cấp xã còn góp phần đẩy nhanh tiến trình giải quyết TCĐĐ trên thực tế.
Có thể nhận thấy rằng những quy định mới về hòa giải TCĐĐ trong LĐĐ năm 2013 và Nghị định 43/2014/NĐ-CP mang tính toàn diện và phù hợp với thực tiễn hơn, góp phần nâng cao tính hiệu quả của hòa giải tại UBND cấp xã, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề đặt ra nhưng chưa được quy định như chưa có một cơ chế đối với UBND cấp xã để đảm bảo việc các bên thực hiện đúng theo kết quả hòa giải thành; hay trong trường hợp việc hòa giải kéo dài dẫn đến việc hết thời hiệu khởi kiện làm ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của đương sự.
Nguồn: vpluatsu.org