Sau con cái, tài sản chung cũng là chuyện được nhiều người quan tâm sau khi ly hôn. Vậy vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào khi “2 người 2 ngả”.
- Từ ngày 1/1/2017 Án phí ly hôn là bao nhiêu?
- Văn phòng luật sư tư vấn phân chia tài sản chung sau ly hôn
- Quyền nuôi con sau ly hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình
Việc phân chia tài sản sau ly hôn sẽ được thực hiện như thế nào?
Theo luật sư tư vấn hôn nhân và gia đình cho hay: Vợ chồng thực hiện thủ tục ly hôn đương nhiên phải gắn với việc thỏa thuận chia tài sản chung bởi sau khi Tòa án giải quyết cho ly hôn thì quyền về tài sản và nhân thân của hai người là độc lập. Đối với trường hợp vẫn đang trong thời kỳ hôn nhân mà vợ chồng thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án nhân dân quyết định chia tài sản chung thì phải tuân theo điều kiện và nguyên tắc quy định tại Luật hôn nhân và gia đình để nhằm bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng đối với tài sản chung.
Thế nào được gọi là tài sản chung của 2 vợ chồng?
Khi làm thủ tục ly hôn, tài sản chung của 2 vợ chồng sẽ được đưa ra tòa để phân chia. Những thứ được gọi là tài sản chung vốn là tài sản hình thành do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Ngoài ra đối với những tài sản riêng, vợ hoặc chồng cần phải chứng minh được đó là tài sản của mình và xuất trình giấy tờ cho Tòa án, nếu không xuất trình được thì Tòa án sẽ coi đó là tài sản chung và sẽ phân chia cho vợ chồng.
Khi phân chia tài sản chung hoặc riêng vợ chồng cần chứng minh được tài sản trong quá trình hôn nhân
Tòa án phân chia tài sản chung theo hướng nào?
Tòa án sẽ căn cứ vào yêu cầu của các bên khi ly hôn để làm căn cứ phân chia tài sản chung. Nếu một bên có yêu cầu cụ thể, một bên không thì đương nhiên Tòa án sẽ giải quyết theo yêu cầu cụ thể của một bên trừ trường hợp xét thấy cần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bà mẹ, trẻ em. Do vậy khi làm đơn ly hôn bạn cần đưa ra yêu cầu chi tiết cho Tòa án. Trường hợp không có yêu cầu cụ thể hoặc yêu cầu của vợ chồng đối lập nhau thì:
– Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập.
– Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
– Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị tương đương được tính ra tiền mặt. Theo quy định của văn bản luật hôn nhân gia đình thì người có lỗi dẫn đến ly hôn như ngoại tình,… sẽ bị xem xét mức sở hữu tài sản nhỏ hơn so với người còn lại.
Trong điều kiện vợ chồng có thể tự thỏa thuận với nhau về tài sản thì tòa sẽ không can thiệp và thủ tục ly hôn cũng sẽ được giải quyết nhanh hơn so với những cặp vợ chồng không thể tự phân chia tài sản.
Theo quy định khi chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, Tòa án phải xác định vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ về tài sản với người thứ ba hay không để đưa người thứ ba vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ về tài sản với người thứ ba mà họ có yêu cầu giải quyết thì Tòa án phải giải quyết khi chia tài sản chung của vợ chồng. Trường hợp vợ chồng có nghĩa vụ với người thứ ba mà người thứ ba không yêu cầu giải quyết thì Tòa án hướng dẫn họ để giải quyết bằng vụ án khác.
Như vậy việc phân chia tài sản sau khi ly hôn sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan để từ đó có thể đưa ra những quyết định công bằng nhất cho cả vợ lẫn chồng.
Nguồn: vpluatsu.org