Cao đẳng Dược TPHCM Cao đẳng Y Dược TP HCM
Danh mục
Trang chủ / Hình Sự / Luật sư phân tích bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường

Luật sư phân tích bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (3 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...

Luật sư Văn phòng Luật sư Ánh Sáng Công Lý phân tích những quy định của pháp luật liên quan trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

luat-su-boi-thuong-thiet-hai-do-o-nhiem-moi-truong

Trong thời gian gần đây, dọc 200 km bờ biển từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đến Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế) xảy ra hiện tượng tôm, cá, ngao… chết hàng loạt. Nguyên nhân đang được điều tra nhưng mọi nghi vấn đổ dồn về Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh khi doanh nghiệp này có đường ống xả thải chôn dưới đáy biển.

Theo pháp luật về bảo vệ môi trường thì tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân khác, có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 104, LBVMT 2014 quy định về xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như sau:

“2. Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và đưa vào danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng kèm theo biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường.”

Những thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm, suy thoái môi trường?

boi-thuong-thiet-hai-do-mo-nhiem-moi-truong

Tôm cá chết rải rác trên bờ biển vũng áng

Theo Điều 163, LBVMT 2014, thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm, suy thoái môi trường được chia thành hai loại: 

  • Suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường;
  • Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra.

Chủ thể có quyền đòi bồi thường thiệt hại?

Về bản chất, tranh chấp về bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường là tranh chấp ngoài hợp đồng, là tranh chấp giữa chủ thể có hành vi gây tổn hại tới môi trường, gây ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe, tài sản của chủ thể khác.

Chủ thể có quyền đòi bồi thường thiệt hại là chủ thể bị xâm hại lợi ích hợp pháp.

  • Chủ thể có quyền đòi bồi thường thiệt hại là nhà nước (Hiến pháp và BLDS có quy định các thành phần môi trường trong đó có nguồn nước, đất đai… thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý) mà cụ thể trong trường hợp môi trường bị ô nhiễm, suy thoái trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, TT – Huế) là Bộ Tài nguyên và môi trường (Điều 3, Nghị định số 03/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2015 quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường).
  • Chủ thể có quyền đòi bồi thường thứ hai là tổ chức, cá nhân bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và lợi ích hợp pháp.

boi-thuong-thiet-hai-do-mo-nhiem-moi-truong

Vấn đề xác định thiệt hại?

Điều 165 LBVMT quy định

“4. Việc tính chi phí thiệt hại về môi trường được quy định như sau:

a) Chi phí thiệt hại trước mắt và lâu dài do sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của các thành phần môi trường;

b) Chi phí xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường;

c) Chi phí giảm thiểu hoặc triệt tiêu nguồn gây thiệt hại;

d) Thăm dò ý kiến các đối tượng liên quan;

đ) Tùy điều kiện cụ thể có thể áp dụng một trong những biện pháp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này để tính chi phí thiệt hại về môi trường, làm căn cứ để bồi thường và giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường.”

“…6. Việc xác định thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do gây ô nhiễm, suy thoái môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật.”

BLDS năm 2005 đã có các quy định làm căn cứ để xác định trách nhiệm cũng như mức độ bồi thường thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường gây ra.

Cụ thể: Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm (Điều 608); thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm (Điều 609); thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm (Điều 610),

Điều 624, BLDS 2005 quy định bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường

boi-thuong-thiet-hai

“Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi.”

+ Làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, tổ chức thì phải bồi thường thiệt hại đó

+ Nếu làm ô nhiễm môi trường và không khắc phục hậu quả mà người bị thiệt hại hoặc người bị đe dọa gây thiệt hại chi phí khắc phục thì phải bồi thường chi phí đó

Mục II Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trong đó có những quy định cụ thể về xác định thiệt hại làm cơ sở để tính mức độ bồi thường thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường gây ra.

Cũng theo Nghị quyết trên, việc bồi thường thiệt hại về tinh thần trong trường hợp sức khỏe bị xâm hại cao nhất không quá 30 tháng lương tối thiểu và bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người thân thích của người bị thiệt hại về tính mạng do ô nhiễm môi trường là cao nhất không quá 60 tháng lương tối thiểu.

Giám định thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường gây ra

Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc cơ quan giải quyết việc bồi thường thiệt hại về môi trường có quyền yêu cầu giám định… Việc lựa chọn tổ chức giám định thiệt hại phải được sự đồng thuận của bên đòi bồi thường và bên phải bồi thường; trường hợp các bên không thống nhất thì việc chọn tổ chức giám định thiệt hại do cơ quan được giao trách nhiệm giải quyết việc bồi thường thiệt hại quyết định (ví dụ Tòa án…)(Điều 166, LBVMT).

Trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại

boi-thuong-thiet-hai-do-mo-nhiem-moi-truong

Theo quy định tại Điều 14, Nghị định số 03/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2015 quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường thì các bên có thể thỏa thuận việc bồi thường hoặc yêu cầu trọng tài giải quyết hoặc khởi kiện tại tòa án. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, phương thức giải quyết thông qua trọng tài chưa được xác lập. Vì vậy, đối với những thiệt hại về tài sản của người dân, tổ chức chỉ có thể giải quyết thông qua thỏa thuận giữa các bên và trong trường hợp không thỏa thuận được thì khởi kiện tại Tòa án.

Đối với thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường, Điều 181 Bộ Luật tố tụng dân sự quy định không được hòa giải trong trường hợp yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước. Theo tinh thần của quy định này thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng không được thỏa thuận về mức bồi thường với công ty Vedan mà phải khởi kiện tại tòa án.

 Luật sư Trần Sỹ Hoàng – Văn phòng Luật sư Ánh Sáng Công Lý:

B1905, số 7 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội. Website: vpluatsu.org
Email: luatsuanhsang@gmail.com. Điện thoại: 0914.089.098 / 098.997.2233

Check Also

Đề nghị xử lý hình sự hơn 300 doanh nghiệp nợ BHXH

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, cho biết đã chuyển 302 hồ sơ của ...