Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý (TGPL) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 10/5/2011 góp phần nâng cao hiệu quả công tác TGPL, đáp ứng nhu cầu TGPL ngày càng đa dạng của người được TGPL. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, hiệu quả TGPL chưa cao
- Nghiên cứu đẩy mạnh bản án phát triển thành án lệ
- Người đồng tính có được đăng ký kết hôn hay không?
- Công bố chỉ số về gánh nặng chi phí thủ tục hành chính
TGPL là một chính sách lớn trong tổng thể chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Trên cơ sở của Luật Trợ giúp pháp lý, những năm qua, hoạt động TGPL ngày càng đi vào nền nếp, không chỉ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật mà còn hỗ trợ các cơ quan trong thực thi công vụ. Đây được coi là hoạt động có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác TGPL còn nhiều bất cập. Nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của công tác TGPL cũng được chỉ ra. Theo đánh giá của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nhu cầu nguồn lực để thực hiện 3 chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng an ninh còn rất lớn trong khi ngân sách nhà nước hạn hẹp; đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, một bộ phận người lao động còn rất khó khăn, số vụ khiếu nại, tố cáo, tồn đọng, phức tạp kéo dài, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp. Công tác TGPL vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, nhiều chỉ tiêu trong Chiến lược chưa đạt cần có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn như: nhiều người dân chưa biết về quyền được TGPL, việc tổ chức thực hiện TGPL còn nặng về tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo bề rộng mà chưa chú trọng, tập trung vào trợ giúp vụ việc…
Vì sao hiệu quả trợ giúp pháp lý chưa cao?
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền chỉ ra thực tế, việc phát triển mạng lưới tổ chức TGPL nhà nước chưa phù hợp. Căn cứ vào Đề án Quy hoạch mạng lưới Trung tâm TGPL nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008 – 2010, định hướng đến năm 2015, các địa phương đã phê duyệt Đề án Quy hoạch Trung tâm và chi nhánh trong phạm vi địa phương mình. Tuy nhiên, do một số chỉ tiêu quy hoạch về tổ chức bộ máy chưa phù hợp nên tổ chức bộ máy của một số trung tâm TGPL và chi nhánh hoạt động chưa hiệu quả trên thực tế. Các phòng chuyên môn được thành lập nhiều năm nhưng lại chưa bảo đảm về nguồn lực con người. Ngoài TGPL, thống kê cho thấy số lượng viên chức và người lao động của Trung tâm là 761 người chiếm 61%, tổng số cán bộ của Trung tâm, trong đó chuyên viên pháp lý là 537 người, chiếm 43% nhưng theo quy định hiện hành, chuyên viên lại không được thực hiện vụ việc TGPL. Đây là một sự lãng phí về nguồn lực, Thứ trưởng Hiền nhấn mạnh.
Trong khi đó, các Trung tâm TGPL nhà nước thành lập theo địa giới hành chính cấp tỉnh, TGPL chỉ được thực hiện vụ việc trong phạm vi tỉnh/thành phố có Trung tâm TGPL. Vì vậy, chưa có sự điều phối, hỗ trợ về nguồn lực giữa các địa phương trong trường hợp có nhiều nhu cầu TGPL hoặc có vụ việc phức tạp, điển hình. Đây thực sự là một bất cập mà trong thời gian tới cần phải có hướng giải quyết để nâng cao hiệu quả của việc TGPL.
Thực tế cũng cho thấy, việc thực hiện các vụ việc TGPL cũng chưa toàn diện; kết quả thực hiện vụ việc TGPL chưa cao, số lượng vụ việc tham gia tố tụng còn thấp. Tổng số vụ việc tham gia tố tụng chỉ chiếm một con số khá khiêm tốn là 5,8% trong tổng số các vụ việc TGPL. Trợ giúp viên pháp lý thực hiện vụ việc tham gia tố tụng chưa nhiều, có trợ giúp viên pháp lý chưa tham gia tố tụng lần nào. Ngay cả khi tham gia tố tụng thì chất lượng cũng chưa được bảo đảm. Chưa có nhiều vụ việc tham gia ở giai đoạn điều tra. Một số vụ việc, người thực hiện TGPL chưa tích cực tham gia hoạt động tố tụng nhất là đối với hoạt động tố tụng hình sự.
Một nguyên nhân khác nữa ảnh hưởng đến hoạt động TGPL là công tác xã hội hóa hoạt động TGPL chưa được đẩy mạnh, số lượng luật sư thuộc các tổ chức TGPL không nhiều, mà chủ yếu là các luật sư mới hành nghề, chưa có nhiều kinh nghiệm và năng lực còn hạn chế. Số lượng cộng tác viên là luật sư còn thấp, tham gia TGPL chưa tích cực, thường xuyên. Đội ngũ cộng tác viên TGPL dù đông về số lượng nhưng hoạt động chưa hiệu quả, nhiều cộng tác viên không thực hiện vụ việc. Điều đáng chú ý là, cộng tác viên là luật sư thực hiện số vụ việc rất thấp, trung bình chỉ 10 vụ/năm. Đây chính là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng của hoạt động TGPL. Theo đánh giá của Liên đoàn luật sư Việt Nam, hoạt động TGPL của luật sư hiện nay chủ yếu xuất phát từ sự tự nguyện, tự giác của từng cá nhân luật sư mà chưa có cơ chế hướng dẫn, giám sát và định hướng thực hiện cụ thể nên dễ dẫn đến tình trạng tự phát, thực hiện TGPL mang tính chiếu lệ, hình thức. Vì vậy, hoạt động TGPL chưa hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của đội ngũ luật sư.
Hoạt động TGPL có ý nghĩa rất quan trọng đối với các đối tượng được trợ giúp, đặc biệt là đối với người nghèo, và nhóm đối tượng yếu thế. Để hoạt động này thực sự là chỗ dựa của nhóm đối tượng này thì hoạt động TGPL cần phải được đặc biệt quan tâm, tìm hướng đi hiệu quả, thiết thực trong thời gian tới.
Nguồn: vpluatsu.org