Cao đẳng Dược TPHCM Cao đẳng Y Dược TP HCM
Danh mục
Trang chủ / Dân Sự / Kiến thức luật Dân sự / Luật sư phân tích quy định chứng cứ theo BLTTDS 2015          

Luật sư phân tích quy định chứng cứ theo BLTTDS 2015          

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (6 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...

Trong một vụ việc dân sự cụ thể, các đương sự cũng như Luật sư, Thẩm phán… đều dựa vào chứng cứ để chứng minh, xác định sự thật của vụ việc. Vậy, chứng cứ là gì? Được thu thập từ đâu? Ai có quyền thu thập và việc đánh giá, sử dụng chứng cứ như thế nào?

chung-cu-theo-blttds-2015

  1. Chứng cứ là gì? Đặc điểm, phân loại chứng cứ?

Theo quy định tại Điều 93 – BLTTDS 2015 thì:

  • Chứng cứ trước hết là những gì có thật (là những sự kiện, tình tiết, tin tức phản ánh sự thật khách quan);
  • Được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật TTDS quy định;
  • Phải được Tòa án sử dụng làm căn cứ giải quyết đúng đắn vụ việc.

Chứng cứ có 3 đặc điểm sau:

  • Tính khách quan của chứng cứ (tức là chứng cứ không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của con người – không được tạo ra chứng cứ).
  • Tính liên quan của chứng cứ (chứng cứ phải liên quan trực tiếp, gián tiếp đến vụ việc).
  • Tính hợp pháp của chứng cứ (chứng cứ phải được thu thập, bảo quản, xem xét, đánh giá, nghiên cứu theo trình tự, thủ tục luật định – ví dụ chứng cứ phải là một trong các nguồn theo quy định của BLTTDS, phải được giao nộp trong thời hạn theo quy định…).

Chứng cứ có thể phân thành 2 loại:

  • Chứng cứ theo người: Là chứng cứ được rút ra từ lời khai đương sự, người làm chứng.
  • Chứng cứ theo vật: Là chứng cứ được rút ra từ những vật như vật chứng, tài liệu, giấy tờ…
  1. Chứng cứ được thu thập từ đâu? Điều kiện để được công nhận là chứng cứ? – Điều 94, 95 BLTTDS

     a. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử;

chung-cu-theo-blttds-2015

Dữ liệu điện tử là một trong những nguồn của chứng cứ

  • Tài liệu đọc được phải là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.
  • Tài liệu nghe được, nhìn được phải xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó. Các tài liệu này có thể là băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, phim, ảnh,…
  • Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

b. Vật chứng

  • Phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc.

Ví dụ: Chiếc xe máy bị ô tô cán hỏng thì phải có chiếc xe máy đó để xác định thiệt hại.

c. Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng

  • Điều 68 – BLTTDS: Đương sự trong vụ án dân sự bao gồm: Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
  • Điều 68 – BLTTDS: Đương sự trong việc dân sự bao gồm: Người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
  • Điều 77 – BLTTDS: Người làm chứng là Người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc được đương sự đề nghị, Tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. Người mất năng lực hành vi dân sự không thể là người làm chứng.
  • Lời khai phải được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh (nếu là thu âm, thu hình thì phải có văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó) hoặc khai bằng lời tại phiên tòa.

d. Kết luận giám định

Là chứng cứ nếu việc giám định được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định (Luật giám định tư pháp và văn bản hướng dẫn).

đ. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ

Là chứng cứ nếu thẩm định được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định (Điều 101- Thẩm phán phụ trách giải quyết vụ án phải báo trước cho các đương sự việc xem xét thẩm định tại chỗ, phải lập thành văn bản, phải có đủ thành phần tham gia và ký tên xác nhận).

e. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản

Là chứng cứ nếu việc định giá, thẩm định giá được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định (Điều 104 – BLTTDS).

g. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ

chung-cu-theo-blttds-2015

Là chứng cứ nếu việc lập văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định. 

Ví dụ: Thừa phát lại lập vi bằng – ghi nhận lại việc hai bên đặt cọc để thực hiện hợp đồng hay xác định tình trạng nhà trước khi cho thuê..

h. Văn bản công chứng, chứng thực

Là chứng cứ nếu việc công chứng, chứng thực được thực hiện theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

Ngoài các nguồn trên, pháp luật còn quy định mở “các nguồn khác mà pháp luật có quy định”.

  1. Giao nộp tài liệu, chứng cứ – Điều 96

  • Thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm (Điều 203 BLTTDS – tối đa 6 tháng đối với các vụ án tại Điều 26 và 28 BLTTDS; tối đa không quá 3 tháng đối với các vụ án tại Điều 30 và 32 BLTTDS), thời hạn chuẩn bị giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật TTDS.
  • Đương sự có thể nộp chứng cứ, tài liệu sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự trong 2 trường hợp:

– Có lý do chính đáng về việc chậm nộp chứng cứ, tài liệu;

– Đương sự không hề biết có chứng cứ, tài liệu đó hoặc trước đó Tòa án không yêu cầu giao nộp chứng cứ, tài liệu đó.

  • Khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì họ phải sao gửi tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác; đối với tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 (tài liệu, chứng cứ có liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo yêu cầu chính đáng của đương sự ) của Bộ luật TTDS hoặc tài liệu, chứng cứ không thể sao gửi được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác.
  1. Ai có quyền xác minh, thu thập chứng cứ?

chung-cu-theo-blttds-2015

  • Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ bằng những biện pháp sau đây:

– Thu thập tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được; thông điệp dữ liệu điện tử;

– Thu thập vật chứng;

– Xác định người làm chứng và lấy xác nhận của người làm chứng;

– Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cho sao chép hoặc cung cấp những tài liệu có liên quan đến việc giải quyết vụ việc mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang lưu giữ, quản lý (đương sự phải làm văn bản yêu cầu ghi rõ tài liệu, chứng cứ cần cung cấp; lý do cung cấp; họ, tên, địa chỉ của cá nhân, tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ cần cung cấp – trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp, nếu không cung cấp được thì phải trả lời lý do bằng văn bản – k1, Điều 106);

– Yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã chứng thực chữ ký của người làm chứng;

– Yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ nếu đương sự không thể thu thập tài liệu, chứng cứ – Đơn yêu cầu ghi rõ vấn đề cần chứng minh; tài liệu, chứng cứ cần thu thập; lý do mình không tự thu thập được; họ, tên, địa chỉ của cá nhân, tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ cần thu thập.

– Yêu cầu Tòa lấy lời khai người làm chứng, yêu cầu Tòa tiến hành đối chất, yêu cầu Tòa tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ, yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định.

– Đương sự có quyền cung cấp giá tài sản đang tranh chấp; thỏa thuận về giá tài sản đang tranh chấp; thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản

– Yêu cầu Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định, định giá tài sản (Nếu Tòa án không trưng cầu giám định sau khi Đương sự có yêu cầu thì Đương sự tự mình yêu cầu giám định trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự,) – Yêu cầu Tòa án yêu cầu người giám định giải thích kết luận giám định, triệu tập người giám định đến phiên tòa, phiên họp để trực tiếp trình bày trong trường hợp kết luận giám định chưa đầy đủ, rõ ràng hoặc có vi phạm pháp luật; Yêu cầu Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định bổ sung trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ việc đã được kết luận giám định trước đó.

– Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật.

4.2. Tòa án có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập tài liệu, chứng cứ:

a) Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng;

b) Đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng;

c) Trưng cầu giám định;

d) Định giá tài sản;

đ) Xem xét, thẩm định tại chỗ;

e) Ủy thác thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ;

g) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự;

h) Xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú;

i) Các biện pháp khác theo quy định của Bộ luật này.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày Tòa án thu thập được tài liệu, chứng cứ, Tòa án phải thông báo về tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

4.3. Thẩm tra viên có thể tiến hành các biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ sau trong giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm:

  • Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng;
  • Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự;
  • Xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú.

4.4. Viện kiểm sát thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc thực hiện thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.

5. Đánh giá, công bố và sử dụng tài liệu, chứng cứ (Điều 108, 109)

  • Việc đánh giá chứng cứ phải khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác. Tòa án phải đánh giá từng chứng cứ, sự liên quan giữa các chứng cứ và khẳng định tính hợp pháp, tính liên quan, giá trị chứng minh của từng chứng cứ.
  • Mọi chứng cứ phải được công bố và sử dụng công khai như nhau trừ nội dung tài liệu, chứng cứ có liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo yêu cầu chính đáng của đương sự nhưng phải thông báo cho đương sự biết những tài liệu, chứng cứ không được công khai.

 Luật sư tư vấn dân sự – Văn phòng Luật sư Ánh Sáng Công Lý:

B1905, số 7 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội. Website: vpluatsu.org
Email: luatsuanhsang@gmail.com. Điện thoại: 0914.089.098 / 098.997.2233

Check Also

Điều cần biết khi thuê nhà ở Việt Nam của Việt kiều?

Hiện nay có rất nhiều người gốc Việt đang làm ăn, sinh sống và nhập ...