Luật sư cho rằng việc mở rộng các đối tượng được chỉ định Người bào chữa là cần thiết trong quá trình cải cách Tư pháp nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện phát triển của đội ngũ Luật sư.
- Luật sư cho rằng phải tách biệt nơi tạm giam và tạm giữ
- Luật sư ngồi ngang hàng với Kiểm sát?
- Luật sư tư vấn Công an được quyền nổ súng khi nào?
Quan điểm nên mở rộng các trường hợp phải chỉ định Người bào chữa?
Về trường hợp phải chỉ định Người bào chữa tại Điều 121 – Dự thảo BLTTHS, đa số ý kiến ĐBQH đề nghị mở rộng trường hợp phải chỉ định Người bào chữa đối với “bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định có mức hình phạt tù 15 năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình”. Tuy nhiên, có một số ý kiến ĐBQH đề nghị mở rộng trường hợp phải chỉ định Người bào chữa đối với “bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù chung thân, tử hình”.
Theo đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) cần cân nhắc thận trọng vấn đề này, một mặt bảo đảm quyền con người, quyền công dân, mặt khác bảo đảm phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta. “Nếu mở rộng các trường hợp phải chỉ định Người bào chữa đối với tù chung thân, tử hình thì số lượng Người bào chữa phải chỉ định đã tăng gấp hai lần so với hiện nay, nếu mở rộng đến 15 năm như dự thảo thì số lượng người bào chữa phải chỉ định tăng gấp 8 lần so với hiện nay. Tôi đề nghị cân nhắc để bảo đảm tính khả thi”, đại biểu Thủy nói.
Đại biểu Phạm Văn Hà (Nghệ An) cũng cho rằng, theo quy định tại Khoản 2, Điều 57 Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành thì bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình được quy định tại Bộ luật Hình sự, nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện của họ không mời Người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phải yêu cầu Đoàn Luật sư phân công người bào chữa. Tuy nhiên, theo đại biểu, việc mở rộng phạm vi đối tượng chỉ định Người bào chữa đến mức nào liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề liên quan đến số lượng, chất lượng đội ngũ Luật sư, kể cả kinh phí, ngân sách hoạt động, điều kiện hoạt động.
Theo đánh giá, nhận định của cơ quan chủ trì soạn thảo, nếu mở rộng đến trường hợp có hình phạt 15 năm tù trở lên thì số lượng Người bào chữa sẽ tăng gấp 8 lần. Nếu mở rộng đến trường hợp có hình phạt tù chung thân, tử hình sẽ tăng gấp 2 lần so với hiện nay.
Như vậy việc mở rộng phạm vi đối tượng chỉ định người bào chữa làm gia tăng đáng kể số lượng luật sư tham gia, mức thấp nhất là 2 lần, mức cao nhất tăng đến 8 lần. Trong khi đó, công tác đào tạo, phát triển đội ngũ Luật sư đáp ứng được số lượng có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu cần được rà soát, đánh giá, xác định thời hạn cụ thể để đảm bảo yêu cầu, đảm bảo tính khả thi, nhất là khi mở rộng đối tượng quy định trong dự thảo luật. “Trong điều kiện phát triển của đất nước, đội ngũ Luật sư, trợ giúp viên pháp lý đang được từng bước tăng cường nguồn lực, chế định bào chữa, cơ chế bào chữa, đảm bảo để Luật sư thực hiện tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ, tôi thấy nên quy định bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù chung thân, tử hình là hợp lý”, đại biểu Hà chia sẻ.
Quy định Điều tra viên, Kiểm sát viên cấp Giấy đăng ký bào chữa có thay Giấy chứng nhận bào chữa có bình đẳng?
Về việc cấp Giấy đăng ký bào chữa tại Điều 123, nhiều ý kiến ĐBQH tán thành về việc cấp Giấy đăng ký bào chữa thay vì Giấy chứng nhận bào chữa như hiện này, nhằm đảm bảo cho người bào chữa có khả năng hỗ trợ kịp thời người bị bắt, bị tạm giữ thực hiện quyền bào chữa theo quy định của pháp luật.
Theo đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), việc cấp Giấy đăng ký bào chữa về bản chất cũng như cấp giấy đăng ký thay cho cấp Giấy chứng nhận bào chữa; tuy nhiên đại biểu không đồng tình với việc giao thẩm quyền cấp giấy này cho Điều tra viên và Kiểm sát viên bởi nó không phù hợp với dự thảo Luật. “Luật Luật sư quy định là cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cấp giấy chứng nhận bào chữa cho Luật sư chứ không phải là Điều tra viên và Kiểm sát viên, vì đây chỉ là hai chức danh tư pháp, chức danh chuyên môn chứ không phải là người đại diện cho các cơ quan này”, đại biểu Xuyền nói.
Lý do thứ hai theo đại biểu, là không đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trong tố tụng. Tại Điều 26 của Dự thảo Luật, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Luật sư, Bào chữa viên là bình đẳng trong việc thu thập chứng cứ tranh tụng tại Tòa án. “Bây giờ một anh lại cấp cho anh kia thì tôi cho rằng không bình đẳng và rõ ràng có thể dẫn tới thiếu khách quan, gây khó khăn cho việc cấp giấy đăng ký cho Luật sư, bào chữa viên”, đại biểu nói và đề nghị nên giữ như quy định hiện hành.
Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) thì lại đồng tình với quan điểm bỏ Giấy chứng nhận bào chữa để thực hiện chế định về đăng ký bào chữa. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1, Điều 67, và Khoản 1, Điều 123, đại biểu cho rằng, chưa thể hiện đầy đủ tinh thần cải cách tư pháp, chưa tạo điều kiện thông thoáng cho Luật sư tham gia bào chữa và “chúng ta sẽ không đưa việc tranh tụng trở thành một trong những khâu đột phá trong cải cách tư pháp”.
Theo đại biểu, nếu cấp Giấy đăng ký bào chữa hay Giấy chứng nhận bào chữa sẽ tạo ra điểm nghẽn, giấy phép con và tạo ra sự lệ thuộc của Người bào chữa đối với các cơ quan tiến hành tố tụng. “Chúng ta phải phân biệt giữa đăng ký bào chữa với cấp giấy chứng nhận bào chữa là 2 hành vi khác nhau. Tôi cho rằng chỉ cần quy định điều kiện bắt buộc để trở thành Người bào chữa trên cơ sở người bị buộc tội nhờ và cơ quan tố tụng chỉ định thì họ chỉ cần đăng ký bào chữa là đủ. Bởi vì, với người được nhờ, được chỉ định nhưng nếu họ từ chối nhận và họ không đăng ký bào chữa thì họ không trở thành Người bào chữa tham gia tố tụng được. Việc cấp giấy chứng nhận bào chữa giống như một giấy thông hành, giấy giới thiệu để khi họ có nhu cầu tiếp cận với các cơ quan, tổ chức không phải là cơ quan tiến hành tố tụng thì mới cần giấy này, cái này được cấp theo yêu cầu của Người bào chữa, không phải là một yêu cầu bắt buộc khi thực hiện các hoạt động tố tụng”, đại biểu Khánh nói.
Để thực hiện được điều này, đại biểu đề nghị cần có điều chỉnh quy định là giao trách nhiệm cho cơ quan tiến hành tố tụng, nơi đầu tiên Người bào chữa đăng ký phải có trách nhiệm thông báo danh tính của Người bào chữa cho các Cơ quan tiến hành tố tụng khác khi tham gia vụ án. Việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký bào chữa là chỉ cấp theo yêu cầu Người bào chữa khi họ có nhu cầu giao dịch để thu thập chứng cứ đối với các cơ quan, tổ chức ngoài các cơ quan tiến hành tố tụng, như thế mới đảm bảo…
Phúc Thắng – qdnd.vn
Văn phòng Luật sư Ánh Sáng Công Lý:
B1905, số 7 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội. Website: vpluatsu.org
Email: luatsuanhsang@gmail.com. Điện thoại: 0914.089.098 / 098.997.2233