Việc dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) loại trừ chủ thể quan hệ dân sự là Hộ gia đình có nhiều quan điểm trái chiều nhau.
Hộ gia đình không là chủ thể quan hệ dân sự
Quan điểm xem chỉ cá nhân và pháp nhân mới là chủ thể quan hệ dân sự
Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án luật của Uỷ ban Pháp luật cho biết, dự thảo luật quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân.
Bên cạnh ý kiến đồng tình thì cũng có ý kiến đề nghị tiếp tục quy định hộ gia đình, tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ pháp luật dân vì cho rằng pháp luật cần ghi nhận thực tiễn cuộc sống, trong khi đó với đặc thù của Việt Nam thì hộ gia đình và tổ hợp tác là hai chủ thể khá phổ biến trong xã hội, đặc biệt ở nông thôn.
Thường trực Ủy ban tư pháp cho rằng đã là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự thì phải có đầy đủ quyền, nghĩa vụ chủ thể, phải chịu trách nhiệm vể việc tham gia quan hệ dân sự của mình. Vì vậy, chỉ có cá nhân và pháp nhân là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự.
Hộ gia đình không là chủ thể quan hệ dân sự
“Qua tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự 2005 cho thấy, sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác trong quan hệ dân sự thường được thực hiện thông qua các thành viên cụ thể, nhưng sự tham gia vào giao dịch dân sự của các chủ thể này còn rất nhiều vướng mắc. Khi có tranh chấp thì Tòa án cũng không thể quy trách nhiệm chung của hộ gia đình, tổ hợp tác mà đều phải thông qua chủ thể là cá nhân”, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết.
Do đó, Cơ quan thẩm tra dự án luật đề nghị quy định mỗi thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể của quan hệ dân sự trực tiếp tham gia hoặc cử người đại diện tham gia quan hệ dân sự. Việc cử, thay đổi người đại diện phải được lập thành văn bản. Khi có sự thay đổi người đại diện thì phải thông báo cho bên tham gia quan hệ dân sự biết.
Trường hợp thành viên tham gia quan hệ dân sự không được các thành viên khác cử làm đại diện thì thành viên đó là chủ thể của quan hệ dân sự do mình xác lập, thực hiện.
Việc xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Luật đất đai.
Đại diện ban soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết tuyệt đại đa số ý kiến các đoàn đại biểu gửi về xác định hộ gia đình và tổ hợp tác không phải chủ thể mà mỗi thành viên là một chủ thể và cử đại diện bảo vệ quyền, lợi ích của mình.
“Khi thảo luận với chuyên gia quốc tế, tham khảo kinh nghiệm luật dân sự của nhiều nước thì chủ thể giao dịch dân sự chỉ có cá nhân và pháp nhân. Chúng ta đang hội nhập quốc tế rất sâu rộng, ký kết tham gia nhiều tổ chức quốc tế thì nên quy định theo hướng này”, ông Đinh Trung Tụng nói.
Hộ gia đình là chủ thể quan hệ dân sự
Quan điểm vẫn phải quy định Hộ gia đình là chủ thể quan hệ dân sự
Là người tham gia chỉnh lý Bộ luật Dân sự 2005 và dự thảo trình Quốc hội lần này và hiện là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội – Cơ quan thẩm tra dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), nhưng đại biểu Trần Đình Long bày tỏ quan điểm không đồng tình với các ý kiến trên.
“Nói sử dụng đất thì theo Luật Đất đai, vậy bất động sản trong luật này là cái gì và tại sao chỉ áp dụng, viện dẫn cơ chế Luật Đất đai mà Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Hợp tác xã và cả trăm luật khác không được đề cập, trong khi ta nói đây là luật chung và những nguyên tắc cơ bản nếu trái là không được?”, ông Trần Đình Long đặt vấn đề.
Tổng kết tố tụng cho thấy không có chuyện xử lý hộ gia đình, theo ông Long, vì Luật Đất đai nói rõ là dù có 10 lao động đi nữa cũng chỉ có người đại diện chủ hộ hoặc vợ chồng đứng tên. Trong giao dịch cũng như trong tố tụng chỉ có tên người đó thôi và đó là phát sinh quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình và các thành viên chứ không có chuyện kêu cả nhà ra đứng trước toà. Chế định này không có gì vướng mắc.
“Giờ luật quy định cử đại diện phải thông báo nhưng con tôi chở 15 tấn lúa đi bán rồi cầm tiền về có ai hỏi đại diện hộ gia đình đâu? Mọi cá nhân, tổ chức đủ điều kiện theo luật về năng lực hành vi và tài sản xác lập giao dịch dân sự thì đó là chủ thể quan hệ dân sự, bất luận đó là ai. Thực tế là thế, hai bên ký hợp đồng anh gọi hai bên đó là gì? Mình không thể loại hộ gia đình ra theo kiểu đó được”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật bày tỏ.
Nguồn: VOV
Văn phòng Luật sư Ánh Sáng Công Lý:
B1905, số 7 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội. Website: vpluatsu.org
Email: luatsuanhsang@gmail.com. Điện thoại: 0914.089.098 / 098.997.2233