Văn phòng Luật sư tư vấn Ánh Sáng Công Lý phân tích các quy định pháp luật xử lý việc bôi nhọ, xúc phạm người khác trên mạng internet.
Bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín người khác qua mạng
Trong thời gian gần đây, cộng đồng mạng phải chứng kiến nhiều trường hợp bôi nhọ uy tín, danh dự, nhân phẩm người khác hoặc tung những thông tin riêng tư lên mạng xã hội như facebook, twitter, zalo, zing me… Vậy những hành động phản cảm như vậy sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?
Thứ nhất, pháp luật quy định quyền bất khả xâm phạm danh dự, uy tín như thế nào?
Tại khoản 1, Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định:
“Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đinh; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của minh. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đỉnh được pháp luật bảo đảm an toàn”.
Điều 9 Bộ luật dân sự năm 2005 đã quy định:
“Tất cả các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”.
Điều 37 Bộ luật dân sự quy định:
“Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”.
Bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín người khác qua mạng
Điều 38 Bộ luật dân sự quy định như sau:
“Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”.
Bộ luật dân sự cũng quy định, khi quyền dân sự của một chủ thể bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận quyền dân sự của mình; buộc chấm dứt hành vi vi phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại.
Luật Công nghệ thông tin cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 12:
“Cấm cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm mục đích: Tiết lộ những bí mật đã được pháp luật quy định; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân…”
Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nghiêm cấm các hành vi:
“Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; “Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”
Thứ hai, chế tài xử lý đối với hành vi bôi nhọ, xúc phạm…?
Bị phạt tiền khi bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín người khác qua mạng
Tuỳ vào mức độ hành vi mà pháp luật quy định các hình thức xử lý như sau:
Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 03/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi pham hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Theo đó, hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (Điểm g Khoản 3 Điều 66); hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (Điểm đ Khoản 3 Điều 64).
Khoản 1 Điều 604 Bộ luật dân sự 2005 quy định Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
“1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.”
Theo quy định tại Điều 611 Bộ Luật dân sự về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm:
“1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
2. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định”.
Ngoài ra, những hành vi bôi nhọ danh dự nhân phẩm của người khác một cách nghiêm trọng nói trên có thể cấu thành hai tội hình sự : Tội vu khống và tội làm nhục người khác được quy định tại trong Bộ luật Hình sự và do đó việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm sẽ được thực hiện bằng những biện pháp hình sự. Tuy nhiên biện pháp hình sự chỉ áp dụng được trong trường hợp người thực hiện hai hành vi nói trên có lỗi cố ý.
Tội làm nhục người khác (Điều 121 Bộ luật Hình sự):
Xử lý hình sự vì bôi nhọ, xúc phạm người khác trên Internet
“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều người;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Tội vu khống (Điều 122 Bộ luật Hình sự):
Vu khống người khác trên mạng xã hội có thể bị xử lý hình sự
“1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với nhiều người;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
đ) Đối với người thi hành công vụ;
e) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Như vậy, pháp luật quy định khá đầy đủ và chi tiết các chế tài xử lý đối với các hành vi bôi nhọ, xúc phạm danh dự người khác trên mạng Internet.
Văn phòng Luật sư Ánh Sáng Công Lý:
B1905, số 7 Trần Phú, Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội. Website: vpluatsu.org
Email: luatsuanhsang@gmail.com. Điện thoại: 0989.384.385 / 098.997.2233