Cha dượng bạo hành con riêng của vợ đã không còn xa lạ gì trong xã hội hiện nay. Nhưng liệu người cha dượng có thể chiếm đoạt tài sản khi người mẹ đã mất hay không?
- Luật sư tư vấn di chúc thừa kế hướng dẫn thủ tục lập di chúc để lại tài sản
- Luật sư tư vấn cách lập di chúc hợp pháp
- Văn phòng Luật sư tư vấn hình thức di chúc
“Tôi hiện đang là sinh viên Cao đẳng Dược Hà Nội – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur. Hiện mẹ tôi đã mất, tôi ở với bố dượng (dượng và mẹ tôi không đăng ký kết hôn) và em trai (con chung của mẹ tôi và dượng). Tất cả tài sản của mẹ tôi đều có được trước khi về sống chung với dượng (bao gồm căn nhà hiện tại đang ở gần trường và sổ tiết kiệm tại ngân hàng). Tuy nhiên gần đây, dượng thường hay kiếm cớ chửi mắng, thậm chí còn đánh tôi. Hàng xóm đã nhiều lần chứng kiến và can ngăn. Mọi người khuyên nên trình báo chính quyền địa phương nhưng dượng dọa đuổi tôi ra khỏi nhà để chiếm hết tài sản vì ông là chồng của mẹ tôi, bởi khi mất mẹ tôi không lập di chúc thừa kế. Tôi rất hoang mang không biết phải làm gì để thoát khỏi sự đe dọa của dượng và liệu dượng có thể chiếm hết di sản mẹ tôi để lại không?”
Cha dượng bạo hành con riêng của vợ nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản
Luật sư tư vấn Luật hôn nhân gia đình trả lời
Thứ nhất: về hành vi bạo lực gia đình
Những hành vi bạo lực gia đình theo khoản 1 Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 gồm:
- Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;
- Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
- Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lức thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
- Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;…
Xét theo lời kể của bạn thì người bố dượng của bạn đã có hành vi vi phạm pháp luật khi chửi mắng và có nhiều lời lăng mạ đuổi đánh bạn. Tùy theo mức độ nghiệm trọng vi phạm của dượng bạn mà có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Khoản 1 Điều 42 Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2008 có quy định như sau:
Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Việc truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra nếu hành vi của dượng bạn thỏa mãn dấu hiệu cấu thành Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009:
Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:…
Do vậy, nếu hành vi của dượng bạn đủ cấu thành tội cố ý gây thương tích thì bạn có thể gửi đơn tố cáo tới cơ quan Công an để điều tra làm rõ hành vi của dượng bạn. Nếu chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì bạn có thể làm đơn gửi tới Chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường,.. nới bạn cư trú để trình báo về hành vi của dượng bạn hoặc nhờ tới sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội, địa chỉ tin cậy ở cộng đồng,…
thứ tự người thừa kế theo pháp luật hiện hành
Thứ hai: về vấn đề di sản mẹ bạn để lại.
Theo như lời của bạn, mẹ bạn và dượng không đăng ký kết hôn, di sản mẹ bạn để lại đều hình thành trước khi về ở với dượng và dượng không đóng góp gì vào khối tài sản đó.
Theo quy định tại khoàn 1 Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:
- Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng. ….
Theo Luật sư tư vấn thì do mẹ bạn và dượng không đăng ký kết hôn, dượng bạn không đóng góp vào khối tài sản của mẹ bạn nên về bản chất, khối tài sản đó là tài sản riêng của mẹ bạn. Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 tại Điều 651 về Người thừa kế theo pháp luật như sau:
Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;…
Vì dượng bạn chưa đăng ký kết hôn với mẹ bạn nên quan hệ vợ chồng của hai người chưa được pháp luật công nhận do vậy, dượng bạn không phải người được hưởng di sản của mẹ bạn.
Về con chung của dượng và mẹ bạn, người con này vẫn là con đẻ của mẹ bạn nên theo quy định pháp luật, người con này cũng thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được chia di sản mẹ bạn để lại.
Nguồn: vpluatsu.org