Năm 2018 là năm đầy “bão giông” của ngành Giáo dục – Đào tạo nước ta với những sự kiện “chưa từng có” trong lịch sử khiến những bậc phụ huynh hết sức hoang mang
- Gợi ý đổi mới mô hình đào tạo sư phạm như trường y
- Toàn ngành thay đổi, chấm dứt “diễn” trong giáo dục
- Cái xấu tồn tại bởi sự vô tâm, vô trách nhiệm của giáo viên
Bê bối điểm thi THPT quốc gia
Bê bối điểm thi THPT quốc gia
Năm 2018, ngành Giáo dục vướng phải bê bối lớn liên quan kỳ thi THPT quốc gia. Hàng trăm bài thi bị can thiệp sửa điểm, nâng điểm. Chỉ tính Hà Giang, 330 bài thi được nâng điểm, có thí sinh được tăng đến 29,95 tổng điểm.
Sự việc khiến dư luận phẫn nộ, lên án, nhất là khi một số cán bộ của ngành giáo dục (cán bộ sở GD-ĐT) liên quan tiêu cực
Nếu như ở Hà Giang, điểm thi thực tế của thí sinh đã được trả lại, thì ở Hoà Bình và Sơn La, với thủ đoạn sửa điểm tinh vi hơn, Bộ Công an và Bộ GD-ĐT vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng.
Bạo hành học đường, xâm hại tình dục
Mới đây, vụ việc cô giáo ở Quảng Ngãi bắt học sinh trong lớp tát một nam sinh 231 cái tát do nói tục, khiến nam sinh phải nhập viện đã khiến dư luận xã hội tỏ ra vô cùng bức xúc.
Vụ việc chưa kịp lắng xuống thì ngay sau đó, tại Hà Nội, một giáo viên cũng đã áp dục hình thức này để phạt học sinh.
Trước đó là vụ việc cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng tại trường tiểu học An Đồng (Hải Phòng) vì học sinh nói chuyện trong lớp.
Trong tháng cuối của năm 2018, dư luận lại bàng hoàng về vụ việc một ông Đinh Bằng My hiệu trưởng trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) có hành vi dâm ô với hàng loạt học sinh nam tại trường. Hiện ông My đã bị khởi tố bắt giam để điều tra làm rõ.
Sách dạy cách đánh vần lạ gây tranh cãi
Sách dạy cách đánh vần lạ gây tranh cãi
Tài liệu Tiếng Việt 1 – Công nghệ Giáo dục đã khiến dư luận dậy sóng khi một số phụ huynh chia sẻ clip thắc mắc về việc con đọc “hình vuông, hình tròn, hình tam giác” cũng như cách đánh vần được cho là “lạ”.
Trước những ý kiến trái chiều từ phía dư luận xã hội, GS.TSKH Hồ Ngọc Đại khẳng định sách tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục đã tồn tại được 40 năm nay. Tính đến năm học 2018 – 2019 có 49 tỉnh, thành phố triển khai dạy học môn tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục với gần 800.000 học sinh. Như vậy, khoảng gần 50% học sinh lớp 1 của Việt Nam đang học sách của ông.
Dự thảo sinh viên bán dâm đến lần thứ 4 bị buộc thôi học
Ngày 29/10, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Thông tư Ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy, để lấy ý kiến đến ngày 26/11.
Ban soạn thảo đề xuất khung kỷ luật với học sinh, sinh viên vi phạm quy chế, từ hành vi nhỏ nhất như đi học muộn, làm việc riêng trong giờ học; đến các sai phạm lớn hơn như tàng trữ sử dụng ma tuý, mại dâm. Với hoạt động mại dâm, nếu sinh viên vi phạm lần 1 sẽ bị khiển trách, lần 2 cảnh cáo, lần 3 đình chỉ có thời hạn và lần 4 là buộc thôi học.
Nói về Dự thảo này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, quy định kỷ luật sinh viên liên quan đến hoạt động mại dâm trong dự thảo là bị “lỗi soạn thảo, chưa cập nhật bản phù hợp nhất”. Trang web của Bộ Giáo dục ngay sau đó gỡ dự thảo.
Thừa giáo viên nhưng thiếu biên chế
Thừa giáo viên nhưng thiếu biên chế
Trong tháng 3/2018 tại Đắc Lắk, 500 giáo viên bỗng dưng mất việc do hợp đồng hết hạn. Ngoài Đắk Lắk, hiện tượng này còn xảy ra ở Cà Mau, Hà Nội, Phú Yên, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Trị và một số địa phương khác.
Tuy nhiên, theo tính toán của Bộ GD-ĐT trong năm 2018, sau khi đã được giao thêm biên chế tuyển dụng, toàn ngành vẫn còn thiếu 75.989 giáo viên. Năm nay, có tới 29 địa phương “xin” biên chế giáo viên. Do thiếu người, một số nơi đã hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế không đúng với quy định hiện hành.
Nghịch lý thừa thiếu giáo viên năm nào cũng xảy ra. Trong khi hàng trăm giáo viên nhiều nơi đứng trước nguy cơ mất việc, giáo viên cấp 1, cấp 2 bị điều chuyển xuống dạy mầm non thì thì nhiều địa phương thiếu giáo viên mà không được tuyển, phải “cầu cứu” Chính phủ.
Nguồn: vpluatsu.org