Luật sư cho rằng việc sử dụng xe công không đúng mục đích gây thất thoát, lãng phí cho nguồn ngân sách nhà nước. Người cán bộ có thể đi taxi thay ngồi xe biển xanh.
- Nam Nữ vào Nhà Nghỉ phải chứng minh không mua bán dâm?
- Luật sư ủng hộ Hà Nội hạn chế xe buýt để giảm ùn tắc giao thông
Nói lại câu chuyện xe công mà mình đã đưa ra từ 10 năm trước, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vẫn không hiểu tại sao vấn đề này vẫn chưa được đưa thành Nghị quyết tại Quốc hội.
Số lượng xe công nhiều và quy định chưa chặt chẽ
Mới đây, theo báo cáo của Bộ Tài chính, số lượng xe ô tô công của Việt Nam hiện tại là gần 40.000 xe, chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang nhân dân, doanh nghiệp nhà nước. Cơ quan này cũng tiết lộ, vẫn còn hiện tượng mua xe vượt tiêu chuẩn , định mức, việc điều chuyển xe ô tô giữa các đơn vị không đúng thẩm quyền quy định, việc thỏa thuận, mua sắm xe chuyên dùng chưa được chặt chẽ. Định mức và chi phí cho việc sử dụng xe vào khoảng 320 triệu một xe trong năm.
Báo cáo cũng chỉ ra, tiêu chuẩn định mức quy định chưa phù hợp với một số cơ quan, đơn vị. Việc mua sắm, thanh lý xe phức tạp, tốn kém thời gian và chi phí. Quy định về thời gian, số km sử dụng cũng chưa phù hợp với thực tế, quy định về khoán kinh phí xe ô tô hầu như không được áp dụng.
Việc sử dụng xe ô tô vào việc riêng, sử dụng xe sai đối tượng, sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc với các chức danh không đủ tiêu chuẩn định mức vẫn diễn ra. Theo đó, cơ quan này đã nghiên cứu trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 32 quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe công. Trong đó quy định cụ thể về việc thay thế xe ô tô công, định mức xe công, mức khoán kinh phí, đối tượng được đưa đón bằng xe công, quy định việc mua sắm xe công và quy định xử lý vi phạm trong mua sắm xe công.
Cụ thể, với quy định về định mức mua xe công, Bộ Tài chính cho biết, mỗi đơn vị không vượt quá số xe ô tô hiện có” sang định mức từ 1-2 xe. Quy định mới cũng nêu rõ các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 và chức danh Thứ trưởng (hoặc tương đương) trở lên mới được phép sử dụng xe ô tô để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc.
Nói về quy định hàm Thứ trưởng trở lên mới được xe công đưa đón, Luật sư Trần Quốc Thuận kiến nghị: “Kể cả đặt hàm đó cũng còn cao lắm, nên chăng chỉ Bộ trưởng trở lên mới được đi xe công thôi”.
“Taxi đầy ra, tự lo mà đi chứ”
Nhớ lại thời điểm năm 2005-2006, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận cho biết, tình trạng quá tải xe công đã nóng sốt hơn bao giờ hết. Khi đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đang là Bộ trưởng Bộ Tài chính từng phát biểu: Nếu không mua xe công, sẽ tiết kiệm được 1.000 tỷ.
“Tôi hy vọng Chính phủ sẽ giải quyết được vấn đề còn tồn đọng này”, ông Trần Quốc Thuận nói.
Ảnh hưởng của việc sử dụng xe công bừa bãi
Nói về thực tế sử dụng bừa bãi xe công như hiện nay, Luật sư Trần Quốc Thuận nghi ngại, đây là thực tế đáng buồn, có thể góp phần làm giảm niềm tin của người dân với người cầm quyền.
Theo ông Quốc Thuận, ở các nước tiên tiến không có chế độ xe công. Nếu đi việc chung, việc quốc gia đại sự mới có xe đưa đón, còn không đều phải tự lo.
“Bây giờ taxi rất nhiều, bên cạnh đó còn có Uber giá rẻ, các vị phải tự lo mà đi chứ, thiếu gì cách đi. Ngồi chễm chệ trên xe biển xanh trong khi dân đói, ngân sách cạn, cân đối chỉ còn 46.000 tỷ, không đủ chi tiêu cho thành phố lớn như TP HCM. Đại họa thấy trước rồi”, vị này tỏ ra lo ngại.
Luật sư đưa ra giải pháp?
Theo đó, để giải quyết tình trạng lãng phí sử dụng xe công, bảo toàn ngân sách, ông Thuận cho rằng Quốc hội nên đưa ra Nghị quyết. Tuy nhiên, vị này cho rằng việc này cũng rất khó khi nhiều đại biểu cũng đang trong chế độ có sử dụng xe công.
Với quy định về cách xác định mức khoán kinh phí trong trường hợp các chức danh có đủ tiêu chuẩn được sử dụng xe tự nguyện đăng ký nhận khoán kinh phí sử dụng xe công, nghĩa là thay vì sử dụng xe công thì sẽ được nhận khoản hỗ trợ theo định mức khoán, Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng “không ăn thua”.
Dù quy định này đã có từ 10 năm trước, khi ông vẫn còn đang đương nhiệm chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho đến nay, người đồng ý nhận tiền khoán đó chỉ đếm trên đầu ngón tay trong đó có ông.
“Những người ngồi trên xe công tuy không được nhận tiền nhưng có lợi ích cao hơn. Ví dụ giải quyết khâu oai, để làm chuyện này chuyện kia cho người ta sợ, tạo nên lợi ích vật chất, tinh thần. Họ nghĩ tiền đó cao hơn tiền lương tháng”.
Theo đó, vị này cho rằng, mỗi cán bộ cần tự phán xét, tự vấn lại mình – trách nhiệm của một người công vụ đối với quốc gia, với nhân dân. “Ngồi xe biển xanh được gì? Muốn xe sang, taxi Uber, kể cả Mercedes không thiếu gì”.
Nguồn: Baomoi