Văn phòng Luật sư gửi tới bạn đọc những tranh luận xung quanh khoản 2, Điều 4 dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng…”
- Bôi nhọ, xúc phạm danh dự người khác bị xử lý thế nào?
- Luật sư tư vấn trình tự, thủ tục khởi kiện vụ án dân sự
Tòa không được từ chối bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân.
Theo đại biểu Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh), việc bổ sung quy định này là cần thiết và bảo đảm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về tòa án thực hiện quyền tư pháp. Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì đối với những tranh chấp dân sự mà luật không quy định thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giải quyết thì tòa án phải giải quyết.
Khi chưa có điều luật cụ thể để áp dụng đối với những vụ việc đơn giản, tòa án có thể áp dụng tinh thần của Hiến pháp, tập quán, áp dụng nguyên tắc chung của luật, áp dụng nguyên tắc tương tự của luật và lẽ công bằng để giải quyết vụ án.
Đối với những vụ việc phức tạp mà tòa án không thể giải quyết ngay thì có thể kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Quy định như vậy là thống nhất với nội dung dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đang được Quốc hội cho ý kiến. Hơn nữa, pháp luật quy định chưa cụ thể về vấn đề tranh chấp là trách nhiệm của Nhà nước, tòa án không giải quyết là không bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
UBTV Quốc hội thảo luận dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM), khẳng định ông đánh giá rất cao đổi mới của Tòa án Tối cao khi trình luật này đưa nguyên tắc của Điều 4 và đây là điểm mới nhất và đáng ghi nhận nhất.
“Tôi cho rằng điều khoản này để khẳng định trách nhiệm, còn thực sự hiện nay có một số quan hệ dân sự nào các luật chưa quy định, lần này sửa Bộ luật Dân sự ta quy định đi, đấy là trách nhiệm, bây giờ Luật Dân sự là tất cả nó kế thừa tất cả quan hệ trong lịch sử phát triển. Vấn đề án lệ, tập tục, xin thưa rằng án lệ, tập tục chưa quy định nhiều, nhưng chúng ta phải làm quen nó, bởi vì án lệ, tập tục là nguồn gốc của pháp luật, nếu ta từ chối nó thì luật pháp không phát triển. Do đó, tôi ủng hộ hoàn toàn quy định nguyên tắc trong Điều 4”.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) khẳng định đề ra nguyên tắc này, Quốc hội đã giao cho các thẩm phán một nhiệm vụ rất khó khăn đòi hỏi cao về năng lực và bản lĩnh của thẩm phán. Song, đó là một đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống, là nguyện vọng hợp lý, chính đáng của người dân. Đây là một quy định nhằm khắc phục một bất cập rất lớn trong thực tiễn xét xử các vụ án dân sự hiện nay. Quy định như trên đã thể hiện rõ quan điểm đổi mới và tinh thần cải cách tư pháp triệt để thể hiện trách nhiệm của nhà nước trước công dân trong việc giải quyết vấn đề cuộc sống đặt ra.
Tòa án đại diện cho công lý, bảo vệ công lý.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng đây là vấn đề mới, nên ủng hộ cái mới, bởi vì Tòa là đại diện cho công lý, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Tòa là đại diện cho công lý, bảo vệ công lý
“Tôi đồng tình với quan điểm mới này, với điều kiện giải thích rõ mấy ý này: Tập quán là gì? Những tập quán nào chúng ta được lựa chọn, trong Luật Hôn nhân và gia đình trước đây giao cho Hội đồng nhân dân các cấp quy định những tập quán được công nhận, nhưng không tỉnh nào làm được, bởi vì rất nhiều dân tộc khác nhau. Vừa rồi chúng ta sửa lại là giao cho Chính phủ quy định và hiện nay Chính phủ chưa quy định được, cho nên bây giờ Chính phủ phải có trách nhiệm thống kê lại toàn bộ những tập quán nào được chấp nhận và tập quán nào không được chấp nhận để làm căn cứ cho tòa án xử thuận lợi”.
Đồng tình với quy định này, đại biểu Phạm Văn Hà (Nghệ An) đưa ra quan điểm lâu nay người dân cầm đơn yêu cầu tòa án giải quyết, tòa án do không có điều luật, không có cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết, vì thế tòa không giải quyết và người dân tiếp tục cầm đơn đến các cơ quan hành chính nhà nước cũng không được, lên trung ương cũng không có, người dân đi loanh quanh dẫn đến mệt mỏi.
“Tôi thấy bổ sung quy định “Tòa án không được từ chối giải quyết yêu cầu dân sự vì lý do không có điều luật để áp dụng cần thiết” để thể chế hóa của Hiến pháp về tòa án thực hiện quyền tư pháp. Vì sao lại giao cho tòa án? Bởi tòa án là cơ quan tư pháp có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền công dân v.v… Giao cho tòa án là phù hợp. Thực tiễn, các thôn, bản không có luật nhưng già làng, trưởng bản làm tốt, hòa giải tốt bởi vì người ta có niềm tin, bởi vì người ta làm rất khách quan, bởi vì có công bằng lẽ phải. Vấn đề này giao cho tòa án khó ở chỗ tòa án phải đào tạo, bồi dưỡng những thẩm phán phải có trách nhiệm cao, giải quyết công việc khách quan và có niềm tin vào công lý và kiên quyết bảo vệ công lý”.
Tòa án chỉ xét xử theo quy định của pháp luật
Tòa án nhân dân xét xử theo quy định của pháp luật
Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến không đồng tình với đề xuất này. Theo đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) quy định này không phù hợp, thiếu tính khả thi vì:
Thứ nhất, khi không có điều luật áp dụng, theo Ban soạn thảo tòa án sẽ dựa vào án lệ, phong tục, tập quán để giải quyết việc dân sự, án lệ Việt Nam đang giao cho Tòa án Tối cao xây dựng, nghĩa là ta chưa có án lệ. Giả thiết có án lệ rồi thì án lệ chính là các bản án của tòa án dựa trên quy định của các điều luật đã có để quyết định được Tòa án Tối cao lựa chọn làm khuôn mẫu, để tất cả các tòa án nếu gặp tranh chấp tương tự thì căn cứ vào bản án mẫu để giải quyết, đảm bảo áp dụng thống nhất ở các tòa án.
Phong tục tập quán rất đa dạng, vì nước ta có nhiều dân tộc, nhiều vùng miền khác nhau nên cách giải quyết các tranh chấp phát sinh cũng rất khác nhau. Mặt khác nhiều phong tục, tập quán không phù hợp với quy định của pháp luật nhưng người dân vẫn tự nguyện thực hiện. Nếu dựa vào phong tục, tập quán để quyết định thì cùng một vụ việc, các tòa án khác nhau có cách giải quyết và cho ra các kết quả rất khác nhau. Làm cho hệ thống pháp luật bị chia cắt, thiếu thống nhất.
Thứ hai, trong đời sống nảy sinh rất nhiều mối quan hệ xã hội trong cộng đồng, xã hội, dân cư mà chưa được pháp luật quy định. Khi có tranh chấp được giải quyết bằng nhiều hình thức bởi các cá nhân, tổ chức khác nhau. Tranh chấp trong dòng tộc, do trưởng tộc và dòng họ giải quyết. Tranh chấp trong các tổ chức hội đoàn, tổ chức tôn giáo sẽ do hội đồng, người đứng đầu tôn giáo giải quyết, sau nữa có các tổ hòa giải và chính quyền cơ sở. Các tranh chấp này đang được giải quyết một cách triệt để, ổn thỏa, xã hội ổn định mà không cần đến sự can thiệp của tòa án. Khi cho phép bất kỳ việc kiện dân sự nào cũng đưa đến tòa án để giải quyết không những không giải quyết được mà còn làm cho xã hội có thể bất ổn hơn.
Tòa án nhân dân tối cao
Thứ ba, khi đã có quy định này thì số vụ việc người dân gửi đến tòa án sẽ tăng đột biến và rất nhiều trong số đó tòa án không thể chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Hoặc dù chấp nhận thì cơ quan thi hành án cũng không bao giờ thi hành được. Việc này vô hình trung đã làm mất thời gian, tiền bạc của người dân, tòa án phải bố trí thêm cán bộ, kinh phí và cơ sở vật chất để giải quyết, xã hội sẽ thiếu ổn định hơn.
Vì vậy, ông Thường cho rằng việc tranh chấp dân sự này khi phát sinh hãy để cho dòng tộc, già làng, trưởng bản, cộng đồng, các tổ hòa giải chính quyền cơ sở giải quyết. Còn nhiệm vụ của Quốc hội là sớm luật hóa công ước quan hệ này để tòa án căn cứ vào đó giải quyết.
Đồng quan điểm này, đại biểu Dương Ngọc Ngưu (Điện Biên) cho rằng quy định này chưa phù hợp với quy định của việc xây dựng nhà nước pháp quyền “sống và làm việc theo pháp luật” và cũng chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp quy định Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Cũng chưa thật phù hợp về việc bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân vì bảo vệ công lý là bảo vệ quyền của các đương sự, không chỉ bảo vệ cho những người có yêu cầu mà thực chất phải bảo vệ tất cả đương sự trong vụ kiện dân sự.
Đặc biệt khi xét xử Hội đồng xét xử phải căn cứ quy định của pháp luật mới đưa ra những phán quyết đúng người, đúng việc, đúng pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích của cơ quan, tổ chức cá nhân. Chỉ đúng căn cứ pháp luật thì mới xác định được đúng sai và trên cơ sở đó mới là căn cứ để kháng nghị theo trình tự phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm.
Đại biểu Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) cũng đề nghị không nên quy định vào dự thảo lần này, bởi vì nếu theo quy định này không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp quy định Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, tức là khi xem xét vụ việc, tòa án phải căn cứ vào các quy định của pháp luật để mà giải quyết.
“Nếu bảo tùy theo điều kiện như là căn cứ vào án lệ, phong tục tập quán, vận dụng các nguyên tắc tương tự hoặc lẽ công bằng để giải quyết, tôi thấy quy định không bảo đảm về mặt pháp lý. Ví dụ, án lệ chưa được công nhận chính thức là nguồn luật, nếu giao cho thẩm phán căn cứ vào nguyên tắc tương tự hay lẽ công bằng để giải quyết vụ việc, đối với đội ngũ thẩm phán hiện nay có một bộ phận chưa đảm bảo về chất lượng, nếu giao ủy quyền tất cho thẩm phán làm việc này, tôi e rằng sẽ dẫn đến sai lệch trong giải quyết vụ việc”.
Theo chương trình, tại kỳ họp này, dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự được đưa ra lấy ý kiến Quốc hội, trên cơ sở các ý kiến đóng góp, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục chỉnh lý.
Nguồn: cand
Văn phòng Luật sư Ánh Sáng Công Lý:
B1905, số 7 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội. Website: vpluatsu.org
Email: luatsuanhsang@gmail.com. Điện thoại: 0914.089.098 / 098.997.2233