Thừa phát lại là một nghề khá mới mẻ nhưng rất có tiềm năng để phát triển ở Việt Nam. Nhưng thực tế Thừa phát lại là ai? Có chức năng gì? thì người dân và cả người hành nghề Luật rất mơ hồ.
Thừa phát lại là gì?
Từ năm 2012 đến nay, nước ta đã thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm: Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long. Vậy thừa phát lại là gì? Có chức năng như thế nào? Và ai có thể làm Thừa phát lại?
Thừa phát lại là một chức vụ có từ thời Pháp thuộc. Từ Thừa phát lại là từ Hán Việt. Thừa có nghĩa là thừa ủy quyền, thừa lệnh (nguyên nghĩa là chuyển tải); phát là phát ra, đưa đến; lại là một viên chức thực hiện lệnh của quan.
Theo quy định tại Điều 2a của Nghị đinh 61/ 2009 sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP:
“Thừa phát lại là người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan”.
Chức năng của Thừa phát lại được quy định tại Điều 3, Nghị đinh 61/ 2009 sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP như sau:
- Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự.
- Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức – chức năng quan trọng nhất. (Lập vi bằng là việc Thừa phát lại lập văn bản trong đó ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác). Hay nói theo cách hiểu thực tế thì Vi bằng là một tài liệu bằng văn bản có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo (nếu cần thiết). Trong tài liệu đó, Thừa phát lại sẽ mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện lập vi bằng mà đích thân Thừa phát lại chứng kiến một cách trung thực, khách quan. Tài liệu này có giá trị chứng cứ trước Tòa án nếu các bên có phát sinh tranh chấp liên quan đến sự kiện, hành vi lập vi bằng.
- Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự.
- Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. (Trừ những Bản án, Quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án).
Thừa phát lại lập Vi bằng
Tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại (Điều 10), Nghị đinh 61/ 2009 sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP.
Là công dân Việt Nam, có sức khỏe, có phẩm chất đạo đức tốt; Không có tiền án; Có bằng cử nhân luật; Đã công tác trong ngành pháp luật trên 05 năm hoặc đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; Chấp hành viên, Công chứng viên, Điều tra viên từ Trung cấp trở lên; Có chứng chỉ hoàn thành lớp tập huấn về nghề Thừa phát lại do Bộ Tư pháp tổ chức; Không kiêm nhiệm hành nghề Công chứng, Luật sư và những công việc khác theo quy định của pháp luật.
Thẩm quyền bổ nhiệm Thừa phát lại (Điều 11), Nghị đinh 61/ 2009 sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm Thừa phát lại trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.
Thừa phát lại hành nghề thông qua Văn phòng Thừa phát lại được thành lập hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh (nếu có từ hai TPL trở lên). Khác với Cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại là do tổ chức, cá nhân tự lập ra khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Điều 16 Nghị đinh 61/ 2009 sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP về điều kiện cơ sở vật chất và cơ cấu tổ chức bộ máy. Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính. Đặc biệt, Văn phòng Thừa phát lại phải ký quỹ 100 triệu đồng cho mỗi Thừa phát lại hoặc có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Việc ký quỹ được thực hiện tại tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.
Văn phòng Luật sư Ánh Sáng Công Lý
B1905, số 7 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội. Website: vpluatsu.org
Email: luatsuanhsang@gmail.com. Điện thoại: 0989.384.385 / 098.997.2233